Nguồn gốc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Để tìm hiểu nguồn gốc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta cần lùi xa về thời điểm lịch sử gần 8 thập kỷ trước. Vào tháng 7/1946 tại Paris, Pháp, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ trên thế giới được thành lập, mang tên FISE (Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo chức).
Nǎm 1949, tại hội nghị ở Warszawa, thủ đô của Ba Lan, FISE xây dựng bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương, nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE nhằm giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1953, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã dự hội nghị kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào FISE, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tháng 8/1957, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Quyết định này nhằm tạo ra một ngày để nhắc nhở và tôn vinh nghề giáo trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác quốc tế giữa các nhà giáo.
Ngày 20/11/1958, kỷ niệm Hiến chương các nhà giáo, Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên trên toàn quốc. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho sự ra đời một ngày lễ trọng đại dành riêng cho các nhà giáo.
Ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó, 20/11 trở thành dịp lễ truyền thống, là dịp để học trò, phụ huynh và toàn xã hội thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô giáo.
Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là một ngày kỷ niệm, mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã và đang dựng xây nên nền móng tri thức cho xã hội. Đây là dịp để học sinh, sinh viên và phụ huynh bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đã không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người.
Trong ngày này, nhiều hoạt động tôn vinh và tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trên khắp cả nước, với nhiều hình thức đa dạng như hội thảo, toạ đàm, các buổi văn nghệ, trao tặng khen thưởng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền giáo dục đang đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức, việc tôn vinh vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những cải cách giáo dục, ứng dụng công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy đang là những thách thức lớn đòi hỏi người giáo viên không ngừng học hỏi và thích ứng.